CHUYẾN XE NĂNG LƯỢNG – Jon Gordon

  • Tên nguyên bản tiếng Anh: The Energy Bus
  • Thể loại: Tiểu thuyết
  • Người dịch: Nguyễn Văn Phát
  • First News & NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (2018)

Chào các cậu chào các cậu!

Đã 2 năm rồi nhỉ, kể từ lần cuối tớ đăng bài trên trang blog déjà lu. Ngày hôm nay là một ngày thật đẹp – 01/01/2020 – là ngày bắt đầu của một năm mới và một thập kỷ mới, nên thật thích hợp để khởi động lại, phải không nào?!

Tớ vừa đọc xong cuốn sách mang tên “Chuyến xe năng lượng”, và quyết định phải chia sẻ với các cậu ngay. Tớ vẫn luôn quan tâm đến các chủ đề về “năng lượng tích cực, năng lượng tiêu cực”, nên ngay khi cầm trên tay tớ đã biết đây sẽ là cuốn sách đầu tiên tớ phải đọc xong trong ngày đầu năm mới này.

Nói riêng thêm một chút về lý do tại sao tớ quan tâm đến các chủ đề này, đó là vì tớ vốn dĩ rất-rất-cực kỳ nhạy cảm với các nguồn năng lượng. Tớ có thể đột ngột trở nên rất vui vẻ và sôi nổi khi ở bên những người mang năng lượng tích cực, đồng thời tớ cũng có thể ngay lập tức xẹp lép như quả bóng xì hơi khi quanh tớ bỗng quá nhiều năng lượng tiêu cực. Đến nỗi tớ hay tưởng tượng mình là miếng bọt biển, và không hiếm khi tớ rũ cả người vì miếng-bọt-biển-tớ phải thấm hút quá nhiều năng lượng (dù tích cực hay tiêu cực). Vậy nên càng ngày tớ càng có xu hướng tránh né đám đông, hoặc nếu vì một lý do nào đó tớ phải ở trong đám đông, thì sau đó tớ sẽ cần có thời gian một mình để “nhả” bớt năng lượng. Có cậu nào cũng như tớ không, cho tớ thấy cánh tay của cậu nào :))

Quay lại với “Chuyến xe năng lượng”, đây là một cuốn sách rất dễ đọc, với văn phong trong sáng và lối viết kể chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên. Bước theo chân George, một nhân viên quản lý đang cảm thấy bế tắc với mọi thứ trong cuộc sống, lên chiếc xe bus được lái bởi cô tài xế tên “Joy” – Vui mừng*, chú Jon sẽ lần lượt kể cho chúng mình nghe 10 quy tắc có thể áp dụng ngay để bắt đầu xây dựng nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người.

(*First News dịch là Vui sướng, nhưng tớ nghĩ dùng từ “Vui mừng” sẽ thích hợp hơn.)

chuyen_xe_nang_luong
Phải chi First News trả thêm chút phí cho bạn thiết kế vẽ luôn mấy gương mặt ngồi trong xe buýt… Tại sao phải cắt ghép hình người thật trông creepy thế này huhu

Tớ biết tất cả chúng ta đều không thể nhìn, không thể ngửi thấy, không thể nghe hay không thể sờ vào “năng lượng”, như “không khí”, như “tình yêu”, nhưng tớ tin rằng nếu thật sự để tâm chú ý, các cậu sẽ cảm nhận được chúng. Và cũng tương tự như không khí trong lành, như tình yêu thuần khiết, một nguồn năng lượng tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của các cậu. Đừng chủ quan nhé các cậu, sức khỏe tinh thần cũng quan trọng với chúng mình như sức khỏe thể chất vậy đó.

Các cậu biết không, thẳng thắn mà nói thì, những điều được chia sẻ trong “Chuyến xe năng lượng” hoàn toàn không mới đối với tớ. Rất nhiều những điều trong số các quy tắc này, các cậu có thể cũng đã đọc đâu đó trong những câu trích dẫn đăng tải khắp nơi trên các kênh truyền thông hay mạng xã hội, hoặc trong những cuốn sách sefl-help một thời các cậu từng gối đầu giường, vân vân và mây mây. Nhưng tớ luôn tin rằng một cuốn sách dù hay đến mấy, sẽ chỉ thật sự tác động đến mình khi nó “gãi” đúng chỗ mình đang “ngứa”. Và cuốn sách này đã xuất hiện đúng lúc tớ đang có nhu cầu xây dựng một nhóm làm việc tích cực. Một sự tình cờ chăng? Không, tớ không nghĩ vậy.

Còn một điều nữa làm tớ rất ưng, đó là những quy tắc trong cuốn sách này, cũng gợi cho tớ nghĩ ngay đến một Cuốn Sách Vĩ Đại, mà tớ cũng đang bắt đầu dành thời gian đọc và nghiền ngẫm lại mỗi ngày, các cậu ạ ;)

Thôi không spoil nữa, tớ sẽ highly recommend cuốn sách này cho các cậu, nếu các cậu đang tìm kiếm một chuyến xe buýt nhanh, ngắn gọn nhưng đủ refresh để các cậu có động lực xốc lại tinh thần và dọn dẹp những tủn mủn ngổn ngang trong tâm trí mình.

Chúc các cậu năm mới 2020, không chỉ xây dựng được nguồn năng lượng tích cực cho chính mình, mà còn có thể lan truyền năng lượng đó đến cho mọi người xung quanh nữa nhé!!! Grosses bises :*

CHIẾN BINH CẦU VỒNG – Andrea Hirata

  • Tên nguyên bản tiếng Indonesia: Laskar Pelangi
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Dạ Thảo
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)
chienbinhcauvong.jpg
“Subhanallah, tạ ơn đấng Allah đã cho con 2 ngày nghỉ lễ để đọc xong cuốn sách này…”

Kỳ nghỉ lễ 2/9 của các cậu thế nào? Của tớ thì không có gì đáng kể ngoại trừ việc tớ đã đọc xong cuốn Chiến Binh Cầu Vồng này – 2 lần. Vì thật ra tớ cũng chẳng biết làm gì khác trong thời gian ngồi trên xe lửa hay trong lúc chờ nhà tớ đi tắm biển về. (À tớ đã kể với các cậu nghe là từ hơn 2 năm nay tớ rất ghét tắm biển chưa?)

Em R., một cô bé rất yêu đã giới thiệu tớ cuốn này lâu rồi, nhưng dịp này tớ mới có dịp đọc đến. Gói gọn trong hơn 400 trang sách là một câu chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ rực rỡ của tác giả; một bức tranh sống động về vẻ đẹp thiên nhiên, về xã hội đa dạng văn hóa chủng tộc của hòn đảo Belitong bé nhỏ, là một Utopia đáng mơ ước về giáo dục – ý nghĩa, niềm tin và quan điểm của những người anh hùng thầm lặng trong một ngôi trường làng nghèo xiêu vẹo, lúc nào cũng chỉ chực đổ sụp đến nơi.

Nói về cách thể hiện – theo quan điểm cá nhân của tớ – thì vẫn còn vài chương đoạn chưa liền mạch lắm, có một đôi chỗ có vẻ hơi dài dòng lan man, và hơi không logic. Nhưng tớ có thể hiểu việc đó là vì thứ nhất, đây là tác phẩm đầu tay của chú An, hẳn là còn nhiều bỡ ngỡ hehe. Thứ hai, có lẽ những xúc cảm này trong chú đã dồn ứ lâu rồi, đến tận lúc này mới được tuôn tràn thành chữ nên không kiềm chế được, thế thôi. Hoặc là thứ ba, người dịch và cả người biên tập chưa nắm rõ ý chú lắm? Tất nhiên những lý do vừa kể chỉ là giả thiết tớ đặt ra thôi, đúng sai tớ không đảm bảo đâu :)

Điều tớ thích nhất của cuốn sách này, là cách các cô cậu học trò yêu việc học tập một cách rất tự nhiên, nhờ tấm lòng và công sức của hai người giáo viên đúng nghĩa – thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus : “vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng”. Còn việc học đúng nghĩa ấy, theo như thầy hiệu trưởng Harfan thì: “kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” Tớ cá chắc là phần lớn các cậu không thể nhớ hết được những gì mình đã học ở tiểu học, cũng không có được niềm vui, hay niềm háo hức được đi học như những đứa trẻ chiến binh này. Hành trình của chúng trên con đường chinh phục kiến thức, là một cuộc hành trình thú vị hơn bất cứ cuộc săn tìm kho báu nào!

 

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong
Cô Mus đang dặn các học trò “Ai lười đọc cũng có thể xem phim nhé” ;)

 

Này các cậu, kể tớ nghe đi, lần cuối cùng các cậu hào hứng đến thế vì được đi học để có thêm kiến thức là khi nào?

ĐƯỜNG CÒN DÀI, CÒN DÀI – Nguyễn Thiên Ngân

  • Th loi: Truyện dài
  • NXB Tổng hợp TP. HCM (2016)

duong_con_dai_con_dai_1

Ngày xưa ấy, hồi tớ mới 17 cái xuân thì, Đường còn dài, còn dài của chị Ngân với tớ giống như thể một giấc mơ. Cái gì mà một ngày nọ bỗng dưng quyết định bỏ học. Rồi sửa soạn chóng vánh. Rồi đi. Là một chuyến đi hay là một thiên nằm mộng kéo dài 9 tháng? Tớ tưởng tượng đến một ngày, mình cũng sẽ như thế, cũng trẻ như chưa bao giờ được trẻ, và muốn đi thì đi. Cũng phải thôi, hồi ấy có một sự thật hiển nhiên mà tớ không thể phủ nhận: tớ mơ mộng quá.

Bây giờ sau 6 năm long nhong khắp chốn thì, ơn giời, tớ vẫn mơ mộng như thế. Nhưng đã biết cách để khi nào tạm ngừng mơ. Rồi một ngày gần đây khi đọc lại Đường còn dài (bản mới, giảm giá 5% mua ở nhà sách Hà Nội, vì bản cũ đã bị ai đó trưng thu không còn tăm tích), tớ đã cảm nhận rất rõ những thay đổi của bản thân so với hồi còn bẻ gãy sừng trâu, hồi mà mọi thứ đều có vẻ rất thú vị, và hào nhoáng. Tớ đã biết về những cái tên, những tác phẩm được nhắc đến, tớ hiểu hơn về sự mông lung được miêu tả, và những xót xa được gói ghém nhẹ nhàng trong từng chi tiết (chứ không phải chỉ toàn một màu hường của mộng mơ), …

Trở về với chuyến đi của N., một chuyến lãng du điển hình của những người trẻ đương đại. Trên chuyến đi này chúng ta có:

  • N. – anh chàng thư sinh đau đáu trong lòng nỗi niềm về người bạn gái đã ở bên mình từ những ngày đầu tuổi trẻ.
  • cùng lão Sói – lão hâm ở dơ nhứt hạng, và ngẫu hứng cũng thuộc hàng thứ dữ,
  • nàng Francesca của lão – chiếc xe tải đỏm dáng màu vàng (màu vàng!!?),
  • và Damien – thằng người Mỹ bộ dang kỳ dị thích đi lang thang hơn đi làm,
  • Chiêu Anh hay là “nàng” – lẽo đẽo theo N. qua những đoạn hành trình dưới hình dạng một cuốn nhật ký.

Thế là tớ đã kể cho các cậu nghe những nguyên liệu chính làm nên món “Đường còn dài”, bây giờ cách chế biến sẽ là như thế này: thảy tất cả chúng vào nồi, bật đĩa bài Norwegian Wood lên, và bỏ mặc chúng đi.

Cảm giác đó giống như các cậu đang sống trong một cuốn sách. Một cuốn giáo khoa chẳng hạn. Rồi các cậu ngẩng đầu lên, thấy mình phải bước ra ngoài cuốn sách, và các cậu bước ra ngoài cuốn sách. Đơn giản thế thôi. Các cậu bắt đầu hành trình của mình, nhưng khoan đã, chẳng có hành trình nào cả. Các cậu lần theo những dấu vết mình đã để lại trong quá khứ, cảm nhận nó một lần nữa, với một tâm thế khác, ngẫm ra điều gì đó, và lại lên đường. Trong cuộc đời các cậu có bao giờ mơ đến một chuyến đi như thế này không? Có bao giờ nghĩ rằng mình phải vứt bỏ cuộc sống tầm thường tẻ ngắt này mà đi tìm con đường riêng cho chính mình không? Có chứ, phải không nào? Vì chúng ta còn trẻ quá.

Tớ đang viết những dòng này trong một buổi sáng thứ bảy trời âm u, và Bức Tường thì đang hô hào nhiệt liệt “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa vời, và chúng ta là người chiến thắng…” Thật háo hức, khi các cậu trẻ, và cũng thật đáng sợ, khi các cậu trẻ. Chúng ta loay hoay hoài, loay hoay mãi, trong những suy tư về bản thân, về những gì ta đã làm, chưa làm và muốn làm. Chúng ta đi tìm cho mình một lý tưởng, rồi lại hoài nghi về lý tưởng đó. Chúng ta thở dài, rồi lại thở dài lần nữa. Chúng ta đọc Đường còn dài, còn dài, và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân mình trong giấc mơ của N.

Thế rồi chúng ta gấp cuốn sách lại, và bắt đầu mơ giấc mơ của riêng mình.

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ – Haruki Murakami

  • Tên bn dịch tiếng Anh: What I Talk About When I Talk About Running
  • Th loi: Tự truyện 
  • Người dch: Thiên Nga
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)

toi-noi-gi-khi-toi-noi-ve-chay-bo

Đây là tác phẩm thứ 4 của Murakami sensei mà tớ đọc, các cậu ạ. Không phải những cuốn trước tớ thấy không hay đâu, thậm chí lúc đang viết bài này tớ còn chưa đọc xong nữa. Chỉ là tớ rất muốn viết về cuốn này vậy thôi.

Tớ biết đến tác giả này từ rất lâu rồi, hồi tớ học lớp 9, nhưng lúc đấy trẻ quá nên tớ còn đang kỳ thị những câu chuyện có hơi hướm tình dục trần trụi. Nghe lớp 9 thấy có vẻ không xa xôi lắm nhưng thật ra đến thời điểm này thì đã ngót nghét chục năm rồi. Tớ đã già, đó là sự thật, các cậu ạ. (Trầm tư 10 giây).  Không tớ đùa đấy. Tớ chưa già, còn trẻ chán, nhưng quan niệm sống cũng như hệ thống chuẩn mực của bản thân đều đã thay đổi quá nhiều. Tớ sẽ đổ thừa cho cuộc đời, các cậu ạ. Qua nhiều năm và nhiều tháng, chúng mình không thể mãi là chúng mình như ngày xưa được, chúng mình phải lớn, phải đập đầu vào đời, phải bung nát sọ lẫn tim gan phèo phổi ra, phải tự hốt vào và lắp ráp lại, thế rồi khi chúng mình vừa mới ổn định được trong chốc lát thì “Boom” chúng mình lại đang chuẩn bị phải tẩn nhau với thằng chó Đời thêm lần nữa. Và cứ thế, cứ thế, chúng mình lột xác. Và chúng mình, hay thật ra là tớ đấy, bắt đầu muốn đọc Murakami.

Lúc còn đang cưa cẩm, cậu người yêu bảo là thích đọc văn tớ viết. Cậu ấy còn bảo tớ cố gắng viết đi, biết đâu sau này sẽ thành nhà văn. Ha! Tớ chưa bao giờ có niềm tin rằng mình làm được việc đó, nhưng vì cậu ấy đã bảo vậy, nên tớ cứ viết thôi. Đến bây giờ thì quả nhiên là, tớ vẫn chưa thành nhà văn, nhưng cậu ấy thì vẫn giục tớ viết hoài. Nói lan man nãy giờ là để nói, điều làm tớ hứng thú khi đọc ‘Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là, Murakami cũng đã kể cho tớ nghe, làm thế nào để viết.

Đến một lúc, bác ấy cảm thấy mình có thể viết. Rồi bác ấy viết. Và đến một lúc khác nữa, bác ấy cảm thấy mình cần phải tập trung cho nghiệp viết, và rồi bác ấy gác lại tất cả mọi công việc, chỉ để viết. Thế, và viết nó cũng như chạy marathon. Đó không phải là thứ tự dưng mà hay được. Ngày nào ta cũng phải viết, viết, và viết. Rồi trong quá trình viết ấy thì mình sẽ dần nhận ra bản thân mình cần điều chỉnh những gì, điều gì còn cần cải thiện. Mà trong khi viết thì bác ấy nghĩ gì? Cũng giống như khi chạy, bác ấy hầu như chẳng “nghĩ nhiều về bất cứ gì đáng nói”, hay đúng hơn là “chạy trong sự rỗng không”.

what-i-talk-about-when-i-talk-about-running

Ừ thế là tớ nhận ra. Tớ đã suy nghĩ quá nhiều về việc viết. Mỗi khi đặt mình trước màn hình máy tính, hay trước một cuốn sổ đang mở, tớ cứ băn khoăn mãi, nào là, nên viết về vấn đề gì đây, nên mở đầu thế nào cho phù hợp đây, nên sử dụng cách xưng hô nào, nên là ngôi thứ mấy, vân vân và mây mây. Khá là mệt mỏi đấy, các cậu ạ. Sau khi phải suy nghĩ mãi về một mớ những thứ như thế thì, một là tớ gập laptop lại luôn, hai là tớ cất bút cất sổ vào luôn.

Bây giờ thì tớ đang có một phương pháp khác mỗi khi viết, và tớ cho là phương pháp này khá hiệu quả. Đó là tớ chẳng nghĩ gì nữa. Cứ thế mà viết thôi, viết nhăng cuội cũng được, viết vẩn vơ cũng được, chỉ cần có thể bắt đầu, là tớ có thể viết đến tận đây mà không cần nghĩ đến việc bố cục các đoạn sẽ như thế nào, hay là dòng suy nghĩ của mình có liền mạch hay không!

Vậy nên để kết thúc, theo tớ thì cuốn sách này khá là tạo cảm hứng cho những ai thích viết và muốn viết mà lại gặp phải những trở ngại về mặt tinh thần, như tớ. Rồi sau đó thì các cậu có thể tìm đọc thêm một số cuốn sách hướng dẫn về nghệ thuật viết, mà tớ sẽ kể liền sau đây cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu “Để trở thành nhà văn – Thu Giang Nguyễn Duy Cần”.

Rồi sau đó nữa thì, cứ viết thôi !

ÔNG TRĂM TUỔI TRÈO QUA CỬA SỔ VÀ BIẾN MẤT – Jonas Jonasson

  • Tên nguyên bn tiếng Thy Đin: Hundraåringen som klev ut genom fönstret och försvann
  • Th loi: Tiu thuyết
  • Người dch: Phm Hi Anh
  • NXB Tr (2015)

oldman

Trời, không biết nói gì luôn ngoài ba từ: QUÁ-XUẤT-SẮC !

Đã lâu rồi tớ chưa đọc được cuốn tiểu thuyết nào khiến tớ mất ăn mất ngủ như vậy. Không thể nào dứt được câu chuyện ra khỏi đầu và cho tới lúc đọc đến trang cuối tớ vẫn còn tiếc rẻ, biết vậy đọc từ từ cho lâu hết.

Cái hay của câu chuyện này nằm ở chỗ tác giả đã liên kết những sự kiện lịch sử – chính trị nổi bật với cuộc hành trình tuổi trẻ đầy ngẫu nhiên và thú vị của cụ Allan – nhân vật chính của chúng ta. Theo như lời giới thiệu sách của Trẻ mà tớ rất tâm đắc là: “từ những năm trước Thế chiến thứ nhất đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết đến nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông.” Đọc xong chuyện này tớ những muốn đi tìm lại thông tin về tất cả những sự kiện được nhắc đến, vì cách mà tác giả Jonas giải thích những ẩn khuất đằng sau tấm màn chính trị của các quốc gia thời bấy giờ quá là hay ho đi, và theo như ông í thì chính xác là cụ Allan ngầu hơn trái bầu (chứ còn ai vào đây) đã làm loạn cả thế giới này bằng những suy nghĩ và hành động rất vô tư (dù láu cá ngầm) của cụ.

Một điểm hay khác là giọng văn châm biếm đầy hóm hỉnh của chính tác giả, được dịch giả Phạm Hải Anh chuyển ngữ rất thành công. Đọc vào câu đầu tiên là thấy ngay: “Có lẽ thiên hạ cứ tưởng cụ đã rắp tâm từ trước và còn tỉnh táo thông báo cho những người xung quanh quyết định của mình. Nhưng cụ Allan Karlsson chẳng bao giờ nghĩ ngợi gì quá lâu.” Cấu trúc của tiểu thuyết được viết theo dạng vòng lặp kiểu như này: Hiện tại (1) – quá khứ  (1) – hiện tại (2, 3, 4…) đan xen quá khứ (2, 3, 4…) – trở lại hiện tại (1) đưa người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từng trang quá khứ được lật lại và từng giây phút hiện tại đang diễn ra đều dần dần hé lộ từng lớp vỏ bọc tính cách của cụ Allan. Từ một cậu bé tạp vụ nghèo ít học trở thành một anh chuyên gia nguyên tử được các quốc gia săn đón cùng những mối quan hệ và ân tình với toàn các bác các chú tai to mặt lớn, tớ đã ngờ ngợ rằng đây là một thể loại truyền cảm hứng phấn đấu bằng tư tưởng “keep moving forward” rồi thì tớ phát hiện ra sự thật là … đúng như thế. Những chi tiết thể hiện ý tưởng đó dù nhỏ nhặt và giản dị như “Nhưng cậu  hiểu rằng cha mình đã chết, mẹ bị ho và chiến tranh đã kết thúc. Bản thân cậu, ở tuổi 13, đã đặc biệt thành thạo với việc chế tạo thuốc nổ (…).  Một ngày nào đó nó sẽ có ích, Allan nghĩ, (…).” hay “Và vào buổi tối khi hầu hết thanh niên trai tráng tại căn cứ Los Alamos vào thị trấn để tán gái thì Allan ngồi trong thư viện cấm ở căn cứ và nghiên cứu kỹ thuật làm pháo hoa cao cấp.” cũng đều lưu lại trong tâm trí tớ rất lâu.

 

ong-tram-tuoi-film
Ô có cả phim nữa này!

 

Còn rất là nhiều những khía cạnh hay ho khác nữa xung quanh câu chuyện về cụ Allan và thế giới quan của chính tác giả lấp ló dưới một giọng văn cường điệu mà thản nhiên hết biết, tớ sẽ ngừng tại đây chờ các cậu tự khám phá đấy. Nếu các cậu đọc xong rồi và cũng thích thú như tớ thì hãy tìm thử một cuốn nữa cùng tác giả và dịch giả này: Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử. Tớ thì chưa đọc đâu nhưng nếu có lần nào lại đi lang thang các hàng sách mà tóm được cuốn này tớ chắc chắn sẽ sẵn lòng mở hầu bao ngay và luôn không phải đắn đo tí tẹo nào!!!