CHA VÀ CON – Tony Parsons

  • Tên nguyên bn tiếng Anh: Man and Boy
  • Th loi: Tiu thuyết 
  • Người dch: Nguyễn Liên Hương
  • Nhã Nam & NXB Lao Động (2015)

cha-va-con

 

Đúng như cái tên câu chuyện, CHA và CON xoay quanh những người  cha, và những đứa con của hai thế hệ liền kề. Harry, nhân vật chính là chiếc bản lề kết nối hai thế hệ ấy. Anh vừa là cha đơn thân của một đứa trẻ sinh ra trong thời đại này, vừa là con độc nhất của một bác lính già can trường, người đã từng kinh qua chiến tranh và là hình mẫu của một ông bố mẫu mực bậc nhất trên đời.

Thật ra thì Harry vốn dĩ không phải là cha đơn thân. Từ khi còn rất trẻ anh đã phải lòng và kết hôn với Gina, vợ anh. Mọi thứ bắt đầu khi Harry tiến đến một cột mốc mới đánh dấu nửa đời người: tuổi 30 và quyết định kỷ niệm  con số ấy bằng một hành động “thông minh tuyệt đỉnh” luôn: ngoại tình, để Gina bắt gặp và rồi cuộc đời anh tưởng như không thể ”tuyệt” hơn thì anh bị chính người đồng nghiệp, từng kề vai sát cánh với anh từ những ngày đầu tiên gầy dựng sự nghiệp, sa thải. Thế là từ đây, anh chàng bắt đầu có nhiều cơ hội, và thời gian, dĩ nhiên rồi, để đặt ra những câu hỏi về người cha trong anh, và hình mẫu người cha tuyệt vời mà anh may mắn có được.

Tớ bảo này.

Các cậu có bao giờ nghĩ về thời đại mà chúng ta đang sống trong. Ở đó, vứt bỏ và tìm kiếm cái mới luôn là lựa chọn đầu tiên, vì nó dễ dàng hơn rất nhiều so với việc cố gắng hàn gắn một thứ gì đã hư hỏng và cũ nát? Ở đó, chúng ta bắt gặp vô số những hạt nhân xã hội khuyết tật, với những đứa con không có cha, không có mẹ, hoặc bị gán ghép với nhau một cách chắp vá? Ở đó, những người lớn “tự cho mình quá nhiều cơ hội” đã cùng nhau tạo nên sản phẩm là những đứa trẻ với tâm hồn trống rỗng, hay mãi mang trong lòng đau đáu một vết thương? Thật đấy, chúng ta có quyền gì, mà tự biện hộ cho những quyết định vội vã và thiếu suy nghĩ của mình bằng sự bốc đồng của tuổi trẻ, để rồi những đứa trẻ vô tội phải chịu vạ lây vì chúng ta? Ừ biết rồi, khổ lắm, nói mãi, tuổi trẻ khốn nạn vậy đó. Ta chẳng  bao giờ suy nghĩ đến những hậu quả mai sau. Và rồi ta không chỉ mang khốn khổ đến cho tương lai của mình, mà còn đến cả những thế hệ sau mình nữa.

Đến đây thì tớ cạn lời, các cậu ạ. Còn hơn cả tình phụ tử, Tony Parsons chắc chắn không chỉ đã “vẽ nên một bức tranh cười ra nước mắt nhưng thấm thía về cuộc đời một người cha chưa-trưởng-thành đơn thân”, mà còn là bức tranh ảm đạm về một xã hội tương lai đầy những mảnh vỡ trái tim, khởi nguồn từ vô số những gia đình tan nát.

HÓA THÂN – Franz Kafka

  • Tên nguyên bản tiếng Đức: Die Verwandlung
  • Thể loại: Truyện vừa
  • Người dịch: Đức Tài
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2014)

hoa-than

Đây là một câu chuyện rất buồn. Tớ cảm thấy như thế. Một nỗi buồn rất sâu lắng, nhưng sắc lẹm như lưỡi lam.

Câu chuyện bắt đầu khi Gregor tỉnh dậy và phát hiện ra mình đã biến thành một con bọ. Các cậu thường sẽ làm gì khi một sáng thức dậy thấy mình không còn là con người nữa? Thôi đừng nói đến chuyện biến thành một thứ gì khác, chỉ cần tỉnh dậy thấy người mình tự dưng có cái gì đấy không còn giống ngày hôm qua nữa là đã phát khiếp lên rồi, thế mà anh chàng Gregor này, anh ấy chỉ lo cho mình được nhỏn nhoẻn mấy giây. Rồi sau đó, và cứ thế cho tới khi câu chuyện kết thúc, tất cả những gì Gregor lo lắng là cho tình hình kinh tế và cả tinh thần của gia đình anh mà anh là trụ cột, gia đình có người bố đã mệt mỏi buông xuôi sau một lần làm ăn khánh kiệt, người mẹ bệnh hoạn ốm yếu chỉ chực lăn đùng ra ngất, đứa em gái mơ mộng dịu dàng đúng chuẩn tiểu thư bánh bèo. Rồi thì cuối cùng anh nhận được gì? “Nó phải biến đi,  – em gái Gregor kêu lên – (…) Nếu đó là Gregor thì anh ấy hẳn phải nhận ra từ lâu rằng con người không thể nào sống chung với một con con vật ghê tởm như thế được và có lẽ anh ấy đã tự động bò đi rồi. Như thế chúng ta thiếu mất một người thân nhưng chúng ta có thể tiếp tục sống và tưởng nhớ mãi đến anh ấy.”

Chúa ơi, có phải chỉ bởi vì Gregor đang trong hình hài một con quái vật nên cô em gái mới thản nhiên như thế? Hoặc giả như không phải anh đã biến thành một con gián mà chỉ bị tai nạn làm biến dạng khuôn mặt hoặc bại liệt tứ chi và mất đi sức lao động, thì em gái và người nhà anh có xua đuổi anh tàn nhẫn thế không? Tớ không biết, vì ngay từ đầu Kafka đã đưa ra một đề bài rất khó : không ai trong nhà biết có thật con bọ đang loe ngoeo mấy cái cẳng chân bé xíu và phát ra thứ tiếng động kỳ quái đó là người anh, người con Gregor yêu quý của họ hay không? Họ chỉ biết, tối hôm trước đóng cửa phòng lại là Gregor, đến sáng hôm sau mở cửa phòng ra thì Gregor đã biến mất, và thế chỗ cho anh là con bọ khổng lồ này.

Song song với sự yếu dần yếu mòn ngày qua ngày của Gregor – con bọ là sự thay đổi đáng kinh ngạc của những người bấy lâu nay vẫn sống dựa dẫm vào anh: bố, mẹ và cả em gái anh đều tự kiếm được việc làm cho mình, xoay sở đủ để duy trì cuộc sống, dù không còn Gregor bên cạnh. Gregor đáng thương dần để mình chìm sâu vào nỗi cô độc của kiếp sống mới, nhưng vẫn lo lắng chu toàn và yêu thương gia đình đến đỗi, khi tận tai nghe được sự phủ nhận vô cảm của em gái mình, anh đã quyết định “phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình.” Tớ mãi không khỏi thẫn thờ khi đọc đến sự ra đi của Gregor dẫu chỉ là một câu miêu tả nhẹ nhàng: “Rồi đầu anh tự động gục xuống sàn nhà và hơi thở mong manh của sự sống thoát khỏi hai cánh mũi anh.”

Nào các cậu, một phút mặc niệm dành tặng Gregor, anh nhân viên chào hàng hết mực yêu thương gia đình đã bị chính gia đình mình hành hạ và xua đuổi cho đến chết, và cũng xin tặng nhà văn đại tài Kafka, vì ông đã viết ra một câu chuyện về nỗi đau thương mãnh liệt dường ấy bằng một phong thái nhẹ nhàng và vô vi đến vậy…

 

franz-kafka
“Chú mày cứ quá khen…” – Franz Kafka (1883 – 1924)