CHIẾN BINH CẦU VỒNG – Andrea Hirata

  • Tên nguyên bản tiếng Indonesia: Laskar Pelangi
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Dạ Thảo
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)
chienbinhcauvong.jpg
“Subhanallah, tạ ơn đấng Allah đã cho con 2 ngày nghỉ lễ để đọc xong cuốn sách này…”

Kỳ nghỉ lễ 2/9 của các cậu thế nào? Của tớ thì không có gì đáng kể ngoại trừ việc tớ đã đọc xong cuốn Chiến Binh Cầu Vồng này – 2 lần. Vì thật ra tớ cũng chẳng biết làm gì khác trong thời gian ngồi trên xe lửa hay trong lúc chờ nhà tớ đi tắm biển về. (À tớ đã kể với các cậu nghe là từ hơn 2 năm nay tớ rất ghét tắm biển chưa?)

Em R., một cô bé rất yêu đã giới thiệu tớ cuốn này lâu rồi, nhưng dịp này tớ mới có dịp đọc đến. Gói gọn trong hơn 400 trang sách là một câu chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ rực rỡ của tác giả; một bức tranh sống động về vẻ đẹp thiên nhiên, về xã hội đa dạng văn hóa chủng tộc của hòn đảo Belitong bé nhỏ, là một Utopia đáng mơ ước về giáo dục – ý nghĩa, niềm tin và quan điểm của những người anh hùng thầm lặng trong một ngôi trường làng nghèo xiêu vẹo, lúc nào cũng chỉ chực đổ sụp đến nơi.

Nói về cách thể hiện – theo quan điểm cá nhân của tớ – thì vẫn còn vài chương đoạn chưa liền mạch lắm, có một đôi chỗ có vẻ hơi dài dòng lan man, và hơi không logic. Nhưng tớ có thể hiểu việc đó là vì thứ nhất, đây là tác phẩm đầu tay của chú An, hẳn là còn nhiều bỡ ngỡ hehe. Thứ hai, có lẽ những xúc cảm này trong chú đã dồn ứ lâu rồi, đến tận lúc này mới được tuôn tràn thành chữ nên không kiềm chế được, thế thôi. Hoặc là thứ ba, người dịch và cả người biên tập chưa nắm rõ ý chú lắm? Tất nhiên những lý do vừa kể chỉ là giả thiết tớ đặt ra thôi, đúng sai tớ không đảm bảo đâu :)

Điều tớ thích nhất của cuốn sách này, là cách các cô cậu học trò yêu việc học tập một cách rất tự nhiên, nhờ tấm lòng và công sức của hai người giáo viên đúng nghĩa – thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus : “vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng”. Còn việc học đúng nghĩa ấy, theo như thầy hiệu trưởng Harfan thì: “kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” Tớ cá chắc là phần lớn các cậu không thể nhớ hết được những gì mình đã học ở tiểu học, cũng không có được niềm vui, hay niềm háo hức được đi học như những đứa trẻ chiến binh này. Hành trình của chúng trên con đường chinh phục kiến thức, là một cuộc hành trình thú vị hơn bất cứ cuộc săn tìm kho báu nào!

 

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong
Cô Mus đang dặn các học trò “Ai lười đọc cũng có thể xem phim nhé” ;)

 

Này các cậu, kể tớ nghe đi, lần cuối cùng các cậu hào hứng đến thế vì được đi học để có thêm kiến thức là khi nào?