CHIẾN BINH CẦU VỒNG – Andrea Hirata

  • Tên nguyên bản tiếng Indonesia: Laskar Pelangi
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Dạ Thảo
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)
chienbinhcauvong.jpg
“Subhanallah, tạ ơn đấng Allah đã cho con 2 ngày nghỉ lễ để đọc xong cuốn sách này…”

Kỳ nghỉ lễ 2/9 của các cậu thế nào? Của tớ thì không có gì đáng kể ngoại trừ việc tớ đã đọc xong cuốn Chiến Binh Cầu Vồng này – 2 lần. Vì thật ra tớ cũng chẳng biết làm gì khác trong thời gian ngồi trên xe lửa hay trong lúc chờ nhà tớ đi tắm biển về. (À tớ đã kể với các cậu nghe là từ hơn 2 năm nay tớ rất ghét tắm biển chưa?)

Em R., một cô bé rất yêu đã giới thiệu tớ cuốn này lâu rồi, nhưng dịp này tớ mới có dịp đọc đến. Gói gọn trong hơn 400 trang sách là một câu chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ rực rỡ của tác giả; một bức tranh sống động về vẻ đẹp thiên nhiên, về xã hội đa dạng văn hóa chủng tộc của hòn đảo Belitong bé nhỏ, là một Utopia đáng mơ ước về giáo dục – ý nghĩa, niềm tin và quan điểm của những người anh hùng thầm lặng trong một ngôi trường làng nghèo xiêu vẹo, lúc nào cũng chỉ chực đổ sụp đến nơi.

Nói về cách thể hiện – theo quan điểm cá nhân của tớ – thì vẫn còn vài chương đoạn chưa liền mạch lắm, có một đôi chỗ có vẻ hơi dài dòng lan man, và hơi không logic. Nhưng tớ có thể hiểu việc đó là vì thứ nhất, đây là tác phẩm đầu tay của chú An, hẳn là còn nhiều bỡ ngỡ hehe. Thứ hai, có lẽ những xúc cảm này trong chú đã dồn ứ lâu rồi, đến tận lúc này mới được tuôn tràn thành chữ nên không kiềm chế được, thế thôi. Hoặc là thứ ba, người dịch và cả người biên tập chưa nắm rõ ý chú lắm? Tất nhiên những lý do vừa kể chỉ là giả thiết tớ đặt ra thôi, đúng sai tớ không đảm bảo đâu :)

Điều tớ thích nhất của cuốn sách này, là cách các cô cậu học trò yêu việc học tập một cách rất tự nhiên, nhờ tấm lòng và công sức của hai người giáo viên đúng nghĩa – thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus : “vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng”. Còn việc học đúng nghĩa ấy, theo như thầy hiệu trưởng Harfan thì: “kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” Tớ cá chắc là phần lớn các cậu không thể nhớ hết được những gì mình đã học ở tiểu học, cũng không có được niềm vui, hay niềm háo hức được đi học như những đứa trẻ chiến binh này. Hành trình của chúng trên con đường chinh phục kiến thức, là một cuộc hành trình thú vị hơn bất cứ cuộc săn tìm kho báu nào!

 

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong
Cô Mus đang dặn các học trò “Ai lười đọc cũng có thể xem phim nhé” ;)

 

Này các cậu, kể tớ nghe đi, lần cuối cùng các cậu hào hứng đến thế vì được đi học để có thêm kiến thức là khi nào?

NƠI EM QUAY VỀ CÓ TÔI ĐỨNG ĐỢI – Ichikawa Takuji

  • Tên nguyên bn tiếng Nhật: Separation – Kimi Ga Kaeru Basho
  • Th loi: Truyện dài
  • Người dch: Thanh Nhã
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2016)

noi em quay ve

Bẵng đi một quãng tớ không có thời gian để đọc cuốn sách văn học nào. Một quãng trầm và đầy mệt mỏi. Mệt mỏi đến độ những cảm xúc tích cực của tớ dường như bị tê liệt. Thế nên khi cầm cuốn sách này lên, tớ mong là mình có thể tìm được một liều thuốc an thần nào đó phù hợp.

Nhưng tớ sai rồi các cậu ơi.

Sai vì khi câu chuyện kết thúc, tớ thậm chí còn thở dài nhiều hơn.

Tớ đọc cuốn đầu tiên của tác giả Ichikawa Takuji, cách đây 2 năm, trùng hợp làm sao, cũng sau một sự đổ vỡ như thế này, và cũng trong một tâm trạng trống rỗng như thế này.

Tớ hay nghĩ đến những sự gặp gỡ “tình cờ” mà tớ cho là có sự sắp đặt của một “người nào đó”. Cũng giống như Yuko và Satoshi, khi một người đi con đường mà bình thường họ không hay đi, và một người nán lại trên con đường ấy trễ hơn một chút so với thời gian mà người ấy vẫn thường đến. Họ đã gặp nhau, một tình yêu bắt đầu, vượt qua bao ngăn cấm của gia đình, họ đến với nhau, nương tựa vào nhau trong thế giới khép kín của hai người. Cho đến khi người vợ mắc một căn bệnh kỳ lạ khiến cho dòng chảy thời gian của cô ấy đi ngược lại với mặc định của tạo hóa. Họ loay hoay, khổ sở, chấp nhận, rồi cứ thế đếm ngược từng ngày, từng ngày cho đến lúc Yuko trở về “trước khi sinh ra”, cũng tức là khi chưa có sự hiện hữu của cô trên cõi đời này.

Trước khi hiện hữu và sau khi hiện hữu, hóa ra cũng đều như nhau cả, đều có thể gói gọn trong một khái niệm duy nhất: “sự trống không”.

noi-em-quay-ve-co-toi-dung-doi

Tớ, là một đứa khá mơ mộng, tin vào hai chữ “tình yêu”. Nhưng cũng chính tớ, là một đứa cực đoan đến nhảm nhí, không tin vào bốn chữ “tình yêu vĩnh hằng”.  Và Satoshi đã nói với tớ rằng “Thời gian là do nội tâm của con người ta quyết định. Nếu thế, cho dù một giây, cũng có thể coi như vĩnh hằng. Mình có thể yêu Yuko đến vĩnh hằng.” Vậy có phải chăng là, dù chỉ trong những ngày tháng ngắn ngủi dường vậy, tớ thật sự đã yêu người đó đến vĩnh hằng?

Nỗi đau khi người ta nhìn thấy người mình yêu từng ngày, từng ngày lê bước dần đến nơi “trống không” đó, hẳn là xót xa lắm. Tớ nghĩ nó cũng tương tự như việc nhìn thấy mối quan hệ với người mình yêu từng ngày, từng ngày rơi dần đến đáy “vực thẳm”. Đến nỗi đôi lúc phải giả bộ như không thấy gì, không nghe gì, không cảm thấy gì. Vì chẳng thể nào chịu đựng nổi sự tàn khốc của hiện thực.

Rồi khi đã vượt quá giới hạn chịu đựng, sự cố gắng ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng ngược: Đó là các cậu đánh mất luôn cảm xúc thật của mình.

Đó cũng là khi, các cậu chợt thấy mình đang ở lưng chừng đâu đó của “sự trống không”.

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ – Haruki Murakami

  • Tên bn dịch tiếng Anh: What I Talk About When I Talk About Running
  • Th loi: Tự truyện 
  • Người dch: Thiên Nga
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)

toi-noi-gi-khi-toi-noi-ve-chay-bo

Đây là tác phẩm thứ 4 của Murakami sensei mà tớ đọc, các cậu ạ. Không phải những cuốn trước tớ thấy không hay đâu, thậm chí lúc đang viết bài này tớ còn chưa đọc xong nữa. Chỉ là tớ rất muốn viết về cuốn này vậy thôi.

Tớ biết đến tác giả này từ rất lâu rồi, hồi tớ học lớp 9, nhưng lúc đấy trẻ quá nên tớ còn đang kỳ thị những câu chuyện có hơi hướm tình dục trần trụi. Nghe lớp 9 thấy có vẻ không xa xôi lắm nhưng thật ra đến thời điểm này thì đã ngót nghét chục năm rồi. Tớ đã già, đó là sự thật, các cậu ạ. (Trầm tư 10 giây).  Không tớ đùa đấy. Tớ chưa già, còn trẻ chán, nhưng quan niệm sống cũng như hệ thống chuẩn mực của bản thân đều đã thay đổi quá nhiều. Tớ sẽ đổ thừa cho cuộc đời, các cậu ạ. Qua nhiều năm và nhiều tháng, chúng mình không thể mãi là chúng mình như ngày xưa được, chúng mình phải lớn, phải đập đầu vào đời, phải bung nát sọ lẫn tim gan phèo phổi ra, phải tự hốt vào và lắp ráp lại, thế rồi khi chúng mình vừa mới ổn định được trong chốc lát thì “Boom” chúng mình lại đang chuẩn bị phải tẩn nhau với thằng chó Đời thêm lần nữa. Và cứ thế, cứ thế, chúng mình lột xác. Và chúng mình, hay thật ra là tớ đấy, bắt đầu muốn đọc Murakami.

Lúc còn đang cưa cẩm, cậu người yêu bảo là thích đọc văn tớ viết. Cậu ấy còn bảo tớ cố gắng viết đi, biết đâu sau này sẽ thành nhà văn. Ha! Tớ chưa bao giờ có niềm tin rằng mình làm được việc đó, nhưng vì cậu ấy đã bảo vậy, nên tớ cứ viết thôi. Đến bây giờ thì quả nhiên là, tớ vẫn chưa thành nhà văn, nhưng cậu ấy thì vẫn giục tớ viết hoài. Nói lan man nãy giờ là để nói, điều làm tớ hứng thú khi đọc ‘Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là, Murakami cũng đã kể cho tớ nghe, làm thế nào để viết.

Đến một lúc, bác ấy cảm thấy mình có thể viết. Rồi bác ấy viết. Và đến một lúc khác nữa, bác ấy cảm thấy mình cần phải tập trung cho nghiệp viết, và rồi bác ấy gác lại tất cả mọi công việc, chỉ để viết. Thế, và viết nó cũng như chạy marathon. Đó không phải là thứ tự dưng mà hay được. Ngày nào ta cũng phải viết, viết, và viết. Rồi trong quá trình viết ấy thì mình sẽ dần nhận ra bản thân mình cần điều chỉnh những gì, điều gì còn cần cải thiện. Mà trong khi viết thì bác ấy nghĩ gì? Cũng giống như khi chạy, bác ấy hầu như chẳng “nghĩ nhiều về bất cứ gì đáng nói”, hay đúng hơn là “chạy trong sự rỗng không”.

what-i-talk-about-when-i-talk-about-running

Ừ thế là tớ nhận ra. Tớ đã suy nghĩ quá nhiều về việc viết. Mỗi khi đặt mình trước màn hình máy tính, hay trước một cuốn sổ đang mở, tớ cứ băn khoăn mãi, nào là, nên viết về vấn đề gì đây, nên mở đầu thế nào cho phù hợp đây, nên sử dụng cách xưng hô nào, nên là ngôi thứ mấy, vân vân và mây mây. Khá là mệt mỏi đấy, các cậu ạ. Sau khi phải suy nghĩ mãi về một mớ những thứ như thế thì, một là tớ gập laptop lại luôn, hai là tớ cất bút cất sổ vào luôn.

Bây giờ thì tớ đang có một phương pháp khác mỗi khi viết, và tớ cho là phương pháp này khá hiệu quả. Đó là tớ chẳng nghĩ gì nữa. Cứ thế mà viết thôi, viết nhăng cuội cũng được, viết vẩn vơ cũng được, chỉ cần có thể bắt đầu, là tớ có thể viết đến tận đây mà không cần nghĩ đến việc bố cục các đoạn sẽ như thế nào, hay là dòng suy nghĩ của mình có liền mạch hay không!

Vậy nên để kết thúc, theo tớ thì cuốn sách này khá là tạo cảm hứng cho những ai thích viết và muốn viết mà lại gặp phải những trở ngại về mặt tinh thần, như tớ. Rồi sau đó thì các cậu có thể tìm đọc thêm một số cuốn sách hướng dẫn về nghệ thuật viết, mà tớ sẽ kể liền sau đây cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu “Để trở thành nhà văn – Thu Giang Nguyễn Duy Cần”.

Rồi sau đó nữa thì, cứ viết thôi !

HÓA THÂN – Franz Kafka

  • Tên nguyên bản tiếng Đức: Die Verwandlung
  • Thể loại: Truyện vừa
  • Người dịch: Đức Tài
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2014)

hoa-than

Đây là một câu chuyện rất buồn. Tớ cảm thấy như thế. Một nỗi buồn rất sâu lắng, nhưng sắc lẹm như lưỡi lam.

Câu chuyện bắt đầu khi Gregor tỉnh dậy và phát hiện ra mình đã biến thành một con bọ. Các cậu thường sẽ làm gì khi một sáng thức dậy thấy mình không còn là con người nữa? Thôi đừng nói đến chuyện biến thành một thứ gì khác, chỉ cần tỉnh dậy thấy người mình tự dưng có cái gì đấy không còn giống ngày hôm qua nữa là đã phát khiếp lên rồi, thế mà anh chàng Gregor này, anh ấy chỉ lo cho mình được nhỏn nhoẻn mấy giây. Rồi sau đó, và cứ thế cho tới khi câu chuyện kết thúc, tất cả những gì Gregor lo lắng là cho tình hình kinh tế và cả tinh thần của gia đình anh mà anh là trụ cột, gia đình có người bố đã mệt mỏi buông xuôi sau một lần làm ăn khánh kiệt, người mẹ bệnh hoạn ốm yếu chỉ chực lăn đùng ra ngất, đứa em gái mơ mộng dịu dàng đúng chuẩn tiểu thư bánh bèo. Rồi thì cuối cùng anh nhận được gì? “Nó phải biến đi,  – em gái Gregor kêu lên – (…) Nếu đó là Gregor thì anh ấy hẳn phải nhận ra từ lâu rằng con người không thể nào sống chung với một con con vật ghê tởm như thế được và có lẽ anh ấy đã tự động bò đi rồi. Như thế chúng ta thiếu mất một người thân nhưng chúng ta có thể tiếp tục sống và tưởng nhớ mãi đến anh ấy.”

Chúa ơi, có phải chỉ bởi vì Gregor đang trong hình hài một con quái vật nên cô em gái mới thản nhiên như thế? Hoặc giả như không phải anh đã biến thành một con gián mà chỉ bị tai nạn làm biến dạng khuôn mặt hoặc bại liệt tứ chi và mất đi sức lao động, thì em gái và người nhà anh có xua đuổi anh tàn nhẫn thế không? Tớ không biết, vì ngay từ đầu Kafka đã đưa ra một đề bài rất khó : không ai trong nhà biết có thật con bọ đang loe ngoeo mấy cái cẳng chân bé xíu và phát ra thứ tiếng động kỳ quái đó là người anh, người con Gregor yêu quý của họ hay không? Họ chỉ biết, tối hôm trước đóng cửa phòng lại là Gregor, đến sáng hôm sau mở cửa phòng ra thì Gregor đã biến mất, và thế chỗ cho anh là con bọ khổng lồ này.

Song song với sự yếu dần yếu mòn ngày qua ngày của Gregor – con bọ là sự thay đổi đáng kinh ngạc của những người bấy lâu nay vẫn sống dựa dẫm vào anh: bố, mẹ và cả em gái anh đều tự kiếm được việc làm cho mình, xoay sở đủ để duy trì cuộc sống, dù không còn Gregor bên cạnh. Gregor đáng thương dần để mình chìm sâu vào nỗi cô độc của kiếp sống mới, nhưng vẫn lo lắng chu toàn và yêu thương gia đình đến đỗi, khi tận tai nghe được sự phủ nhận vô cảm của em gái mình, anh đã quyết định “phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình.” Tớ mãi không khỏi thẫn thờ khi đọc đến sự ra đi của Gregor dẫu chỉ là một câu miêu tả nhẹ nhàng: “Rồi đầu anh tự động gục xuống sàn nhà và hơi thở mong manh của sự sống thoát khỏi hai cánh mũi anh.”

Nào các cậu, một phút mặc niệm dành tặng Gregor, anh nhân viên chào hàng hết mực yêu thương gia đình đã bị chính gia đình mình hành hạ và xua đuổi cho đến chết, và cũng xin tặng nhà văn đại tài Kafka, vì ông đã viết ra một câu chuyện về nỗi đau thương mãnh liệt dường ấy bằng một phong thái nhẹ nhàng và vô vi đến vậy…

 

franz-kafka
“Chú mày cứ quá khen…” – Franz Kafka (1883 – 1924)

 

SÓI THẢO NGUYÊN – Hermann Hesse

  • Tên nguyên bản tiếng Đức: Der Steppenwolf
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Lê Chu Cầu
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2013)

steppenwolf

Trời ơi tớ đã phải mất gần 3 tháng để đọc hết cuốn này các cậu ạ. Viết gì mà điên thế không biết. Cứ mỗi lần bắt đầu đọc lại sau một thời gian tạm ngưng là tớ phải đọc lại trước đó tận 4-5 trang để tìm lại mạch chuyện. Và cứ mỗi lần tay Harry Haller này bắt đầu màn đấu tranh nội tâm với con Sói Thảo nguyên lẩn khuất trong tâm trí hắn là tớ như muốn phát khùng theo.

Harry Haller, một tay học thức sâu rộng trong vai nhà phản chiến thất thời chán nản với sự trưởng giả và kệch cỡm của xã hội con người để rồi từ đó tạo ra trong hắn một thực thể đối lập mãnh liệt với những gì mà hắn chán ghét: Sói Thảo Nguyên. Quay cuồng, tuyệt vọng, khốn khổ khốn nạn, Harry Haller và Sói Thảo Nguyên, bản năng và lý trí, cứ liên tục xoay vần và đấu đá lẫn nhau, cho đến một ngày nọ, khi Harry gặp được Hermine, tấm gương phản chiếu lại tâm hồn đầy rẫy những nổi thống khổ của hắn, thì hắn dần hiểu rằng “cả cuộc đời là như thế đấy, hãy mặc xác nó và nếu chúng ta không phải là lũ lừa thì nên cười thêm vào. (…) Hãy học có thái độ nghiêm trang với những gì đáng nghiêm trang và cười vào những thứ còn lại.”

Tớ đã nghĩ về những mảnh ghép hình, trong bức tranh ghép rộng lớn mang tên “Cuộc đời của Harry Haller”. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những mảnh ghép gần như cuối cùng, những mảnh ghép mà chỉ thiếu chút nữa thôi là cuộc đời của hắn sẽ hoàn tất và khi ghép đến những mảnh đó, hắn đã có thời gian và cơ hội nghiệm lại cả cuộc đời mình, một cuộc đời đầy khổ đau và cùng quẫn.

Harry ơi Harry, có những đoạn khi đọc tớ đã nghĩ sao mà hắn ta giống tớ thế. Hay là tớ giống hắn ta? Những mâu thuẫn và đấu tranh giữa những gì tớ cho là cao cả, đáng tôn trọng và những ham muốn nhục dục chỉ chực chờ đẩy tớ ra khỏi mọi giới hạn chuẩn mực mà tớ tự đặt ra cho mình. Cả cái sự đắm say một lý tưởng nhưng hèn nhát không dám chết vì lý tưởng đó. Thế, nhưng mà tớ hơn tay này một điểm là tớ biết cách để vui vẻ, như Hermine, hay Pablo, và tận hưởng một bản nhạc hay không phải vì mặt uyển chuyển trong cấu trúc cao độ của nó mà vì nó khiến tớ cảm động và làm cho miệng tớ muốn hát theo còn chân thì ngứa ngáy đòi nhún nhảy.

Tổng kết lại thì tớ thấy tay Harry, hay ông tiểu thuyết gia Hermann này, điên lắm rồi, và cho dù có bỏ qua những trúc trắc và dài dòng về câu cú mà tớ khá chắc là thừa hưởng từ đặc tính riêng của loại ngôn ngữ gốc ấy, thì tớ không chắc là tớ sẽ sẵn lòng một lần nữa trải qua những giây phút tắc tị trong cái mớ điên loạn khổ sở cùng cực của hắn qua cuốn tiểu thuyết này.

soi-thao-nguyen

Bonus các cậu một đoạn trích mà tớ thích:
“Không phải vì anh biết cuộc chiến đấu chẳng đạt kết quả gì mà đời anh thành tẻ nhạt và ngớ ngẩn. Harry ơi, nó sẽ tẻ nhạt hơn nhiều, nếu anh tranh đấu cho điều gì tốt đẹp và lý tưởng với ý nghĩ phải đạt cho bằng được. Lý tưởng là để đạt đến ư? Chẳng lẽ chúng ta, con người, sống để triệt bỏ cái chết ư? Không, chúng ta sống để sợ hãi nó, nhưng rồi lại yêu nó và chính vì nó mà thỉnh thoảng cuộc đời ngắn ngủi bừng lên được một giờ thật huy hoàng.”

 

hermann-hesse
“Chú mày dởm thật, mới thế mà đã đọc không nổi.” – Hermann Hesse (1877 – 1962)