NƠI EM QUAY VỀ CÓ TÔI ĐỨNG ĐỢI – Ichikawa Takuji

  • Tên nguyên bn tiếng Nhật: Separation – Kimi Ga Kaeru Basho
  • Th loi: Truyện dài
  • Người dch: Thanh Nhã
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2016)

noi em quay ve

Bẵng đi một quãng tớ không có thời gian để đọc cuốn sách văn học nào. Một quãng trầm và đầy mệt mỏi. Mệt mỏi đến độ những cảm xúc tích cực của tớ dường như bị tê liệt. Thế nên khi cầm cuốn sách này lên, tớ mong là mình có thể tìm được một liều thuốc an thần nào đó phù hợp.

Nhưng tớ sai rồi các cậu ơi.

Sai vì khi câu chuyện kết thúc, tớ thậm chí còn thở dài nhiều hơn.

Tớ đọc cuốn đầu tiên của tác giả Ichikawa Takuji, cách đây 2 năm, trùng hợp làm sao, cũng sau một sự đổ vỡ như thế này, và cũng trong một tâm trạng trống rỗng như thế này.

Tớ hay nghĩ đến những sự gặp gỡ “tình cờ” mà tớ cho là có sự sắp đặt của một “người nào đó”. Cũng giống như Yuko và Satoshi, khi một người đi con đường mà bình thường họ không hay đi, và một người nán lại trên con đường ấy trễ hơn một chút so với thời gian mà người ấy vẫn thường đến. Họ đã gặp nhau, một tình yêu bắt đầu, vượt qua bao ngăn cấm của gia đình, họ đến với nhau, nương tựa vào nhau trong thế giới khép kín của hai người. Cho đến khi người vợ mắc một căn bệnh kỳ lạ khiến cho dòng chảy thời gian của cô ấy đi ngược lại với mặc định của tạo hóa. Họ loay hoay, khổ sở, chấp nhận, rồi cứ thế đếm ngược từng ngày, từng ngày cho đến lúc Yuko trở về “trước khi sinh ra”, cũng tức là khi chưa có sự hiện hữu của cô trên cõi đời này.

Trước khi hiện hữu và sau khi hiện hữu, hóa ra cũng đều như nhau cả, đều có thể gói gọn trong một khái niệm duy nhất: “sự trống không”.

noi-em-quay-ve-co-toi-dung-doi

Tớ, là một đứa khá mơ mộng, tin vào hai chữ “tình yêu”. Nhưng cũng chính tớ, là một đứa cực đoan đến nhảm nhí, không tin vào bốn chữ “tình yêu vĩnh hằng”.  Và Satoshi đã nói với tớ rằng “Thời gian là do nội tâm của con người ta quyết định. Nếu thế, cho dù một giây, cũng có thể coi như vĩnh hằng. Mình có thể yêu Yuko đến vĩnh hằng.” Vậy có phải chăng là, dù chỉ trong những ngày tháng ngắn ngủi dường vậy, tớ thật sự đã yêu người đó đến vĩnh hằng?

Nỗi đau khi người ta nhìn thấy người mình yêu từng ngày, từng ngày lê bước dần đến nơi “trống không” đó, hẳn là xót xa lắm. Tớ nghĩ nó cũng tương tự như việc nhìn thấy mối quan hệ với người mình yêu từng ngày, từng ngày rơi dần đến đáy “vực thẳm”. Đến nỗi đôi lúc phải giả bộ như không thấy gì, không nghe gì, không cảm thấy gì. Vì chẳng thể nào chịu đựng nổi sự tàn khốc của hiện thực.

Rồi khi đã vượt quá giới hạn chịu đựng, sự cố gắng ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng ngược: Đó là các cậu đánh mất luôn cảm xúc thật của mình.

Đó cũng là khi, các cậu chợt thấy mình đang ở lưng chừng đâu đó của “sự trống không”.

ĐƯỜNG CÒN DÀI, CÒN DÀI – Nguyễn Thiên Ngân

  • Th loi: Truyện dài
  • NXB Tổng hợp TP. HCM (2016)

duong_con_dai_con_dai_1

Ngày xưa ấy, hồi tớ mới 17 cái xuân thì, Đường còn dài, còn dài của chị Ngân với tớ giống như thể một giấc mơ. Cái gì mà một ngày nọ bỗng dưng quyết định bỏ học. Rồi sửa soạn chóng vánh. Rồi đi. Là một chuyến đi hay là một thiên nằm mộng kéo dài 9 tháng? Tớ tưởng tượng đến một ngày, mình cũng sẽ như thế, cũng trẻ như chưa bao giờ được trẻ, và muốn đi thì đi. Cũng phải thôi, hồi ấy có một sự thật hiển nhiên mà tớ không thể phủ nhận: tớ mơ mộng quá.

Bây giờ sau 6 năm long nhong khắp chốn thì, ơn giời, tớ vẫn mơ mộng như thế. Nhưng đã biết cách để khi nào tạm ngừng mơ. Rồi một ngày gần đây khi đọc lại Đường còn dài (bản mới, giảm giá 5% mua ở nhà sách Hà Nội, vì bản cũ đã bị ai đó trưng thu không còn tăm tích), tớ đã cảm nhận rất rõ những thay đổi của bản thân so với hồi còn bẻ gãy sừng trâu, hồi mà mọi thứ đều có vẻ rất thú vị, và hào nhoáng. Tớ đã biết về những cái tên, những tác phẩm được nhắc đến, tớ hiểu hơn về sự mông lung được miêu tả, và những xót xa được gói ghém nhẹ nhàng trong từng chi tiết (chứ không phải chỉ toàn một màu hường của mộng mơ), …

Trở về với chuyến đi của N., một chuyến lãng du điển hình của những người trẻ đương đại. Trên chuyến đi này chúng ta có:

  • N. – anh chàng thư sinh đau đáu trong lòng nỗi niềm về người bạn gái đã ở bên mình từ những ngày đầu tuổi trẻ.
  • cùng lão Sói – lão hâm ở dơ nhứt hạng, và ngẫu hứng cũng thuộc hàng thứ dữ,
  • nàng Francesca của lão – chiếc xe tải đỏm dáng màu vàng (màu vàng!!?),
  • và Damien – thằng người Mỹ bộ dang kỳ dị thích đi lang thang hơn đi làm,
  • Chiêu Anh hay là “nàng” – lẽo đẽo theo N. qua những đoạn hành trình dưới hình dạng một cuốn nhật ký.

Thế là tớ đã kể cho các cậu nghe những nguyên liệu chính làm nên món “Đường còn dài”, bây giờ cách chế biến sẽ là như thế này: thảy tất cả chúng vào nồi, bật đĩa bài Norwegian Wood lên, và bỏ mặc chúng đi.

Cảm giác đó giống như các cậu đang sống trong một cuốn sách. Một cuốn giáo khoa chẳng hạn. Rồi các cậu ngẩng đầu lên, thấy mình phải bước ra ngoài cuốn sách, và các cậu bước ra ngoài cuốn sách. Đơn giản thế thôi. Các cậu bắt đầu hành trình của mình, nhưng khoan đã, chẳng có hành trình nào cả. Các cậu lần theo những dấu vết mình đã để lại trong quá khứ, cảm nhận nó một lần nữa, với một tâm thế khác, ngẫm ra điều gì đó, và lại lên đường. Trong cuộc đời các cậu có bao giờ mơ đến một chuyến đi như thế này không? Có bao giờ nghĩ rằng mình phải vứt bỏ cuộc sống tầm thường tẻ ngắt này mà đi tìm con đường riêng cho chính mình không? Có chứ, phải không nào? Vì chúng ta còn trẻ quá.

Tớ đang viết những dòng này trong một buổi sáng thứ bảy trời âm u, và Bức Tường thì đang hô hào nhiệt liệt “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa vời, và chúng ta là người chiến thắng…” Thật háo hức, khi các cậu trẻ, và cũng thật đáng sợ, khi các cậu trẻ. Chúng ta loay hoay hoài, loay hoay mãi, trong những suy tư về bản thân, về những gì ta đã làm, chưa làm và muốn làm. Chúng ta đi tìm cho mình một lý tưởng, rồi lại hoài nghi về lý tưởng đó. Chúng ta thở dài, rồi lại thở dài lần nữa. Chúng ta đọc Đường còn dài, còn dài, và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân mình trong giấc mơ của N.

Thế rồi chúng ta gấp cuốn sách lại, và bắt đầu mơ giấc mơ của riêng mình.