CHUYẾN XE NĂNG LƯỢNG – Jon Gordon

  • Tên nguyên bản tiếng Anh: The Energy Bus
  • Thể loại: Tiểu thuyết
  • Người dịch: Nguyễn Văn Phát
  • First News & NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (2018)

Chào các cậu chào các cậu!

Đã 2 năm rồi nhỉ, kể từ lần cuối tớ đăng bài trên trang blog déjà lu. Ngày hôm nay là một ngày thật đẹp – 01/01/2020 – là ngày bắt đầu của một năm mới và một thập kỷ mới, nên thật thích hợp để khởi động lại, phải không nào?!

Tớ vừa đọc xong cuốn sách mang tên “Chuyến xe năng lượng”, và quyết định phải chia sẻ với các cậu ngay. Tớ vẫn luôn quan tâm đến các chủ đề về “năng lượng tích cực, năng lượng tiêu cực”, nên ngay khi cầm trên tay tớ đã biết đây sẽ là cuốn sách đầu tiên tớ phải đọc xong trong ngày đầu năm mới này.

Nói riêng thêm một chút về lý do tại sao tớ quan tâm đến các chủ đề này, đó là vì tớ vốn dĩ rất-rất-cực kỳ nhạy cảm với các nguồn năng lượng. Tớ có thể đột ngột trở nên rất vui vẻ và sôi nổi khi ở bên những người mang năng lượng tích cực, đồng thời tớ cũng có thể ngay lập tức xẹp lép như quả bóng xì hơi khi quanh tớ bỗng quá nhiều năng lượng tiêu cực. Đến nỗi tớ hay tưởng tượng mình là miếng bọt biển, và không hiếm khi tớ rũ cả người vì miếng-bọt-biển-tớ phải thấm hút quá nhiều năng lượng (dù tích cực hay tiêu cực). Vậy nên càng ngày tớ càng có xu hướng tránh né đám đông, hoặc nếu vì một lý do nào đó tớ phải ở trong đám đông, thì sau đó tớ sẽ cần có thời gian một mình để “nhả” bớt năng lượng. Có cậu nào cũng như tớ không, cho tớ thấy cánh tay của cậu nào :))

Quay lại với “Chuyến xe năng lượng”, đây là một cuốn sách rất dễ đọc, với văn phong trong sáng và lối viết kể chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên. Bước theo chân George, một nhân viên quản lý đang cảm thấy bế tắc với mọi thứ trong cuộc sống, lên chiếc xe bus được lái bởi cô tài xế tên “Joy” – Vui mừng*, chú Jon sẽ lần lượt kể cho chúng mình nghe 10 quy tắc có thể áp dụng ngay để bắt đầu xây dựng nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người.

(*First News dịch là Vui sướng, nhưng tớ nghĩ dùng từ “Vui mừng” sẽ thích hợp hơn.)

chuyen_xe_nang_luong
Phải chi First News trả thêm chút phí cho bạn thiết kế vẽ luôn mấy gương mặt ngồi trong xe buýt… Tại sao phải cắt ghép hình người thật trông creepy thế này huhu

Tớ biết tất cả chúng ta đều không thể nhìn, không thể ngửi thấy, không thể nghe hay không thể sờ vào “năng lượng”, như “không khí”, như “tình yêu”, nhưng tớ tin rằng nếu thật sự để tâm chú ý, các cậu sẽ cảm nhận được chúng. Và cũng tương tự như không khí trong lành, như tình yêu thuần khiết, một nguồn năng lượng tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của các cậu. Đừng chủ quan nhé các cậu, sức khỏe tinh thần cũng quan trọng với chúng mình như sức khỏe thể chất vậy đó.

Các cậu biết không, thẳng thắn mà nói thì, những điều được chia sẻ trong “Chuyến xe năng lượng” hoàn toàn không mới đối với tớ. Rất nhiều những điều trong số các quy tắc này, các cậu có thể cũng đã đọc đâu đó trong những câu trích dẫn đăng tải khắp nơi trên các kênh truyền thông hay mạng xã hội, hoặc trong những cuốn sách sefl-help một thời các cậu từng gối đầu giường, vân vân và mây mây. Nhưng tớ luôn tin rằng một cuốn sách dù hay đến mấy, sẽ chỉ thật sự tác động đến mình khi nó “gãi” đúng chỗ mình đang “ngứa”. Và cuốn sách này đã xuất hiện đúng lúc tớ đang có nhu cầu xây dựng một nhóm làm việc tích cực. Một sự tình cờ chăng? Không, tớ không nghĩ vậy.

Còn một điều nữa làm tớ rất ưng, đó là những quy tắc trong cuốn sách này, cũng gợi cho tớ nghĩ ngay đến một Cuốn Sách Vĩ Đại, mà tớ cũng đang bắt đầu dành thời gian đọc và nghiền ngẫm lại mỗi ngày, các cậu ạ ;)

Thôi không spoil nữa, tớ sẽ highly recommend cuốn sách này cho các cậu, nếu các cậu đang tìm kiếm một chuyến xe buýt nhanh, ngắn gọn nhưng đủ refresh để các cậu có động lực xốc lại tinh thần và dọn dẹp những tủn mủn ngổn ngang trong tâm trí mình.

Chúc các cậu năm mới 2020, không chỉ xây dựng được nguồn năng lượng tích cực cho chính mình, mà còn có thể lan truyền năng lượng đó đến cho mọi người xung quanh nữa nhé!!! Grosses bises :*

CHIẾN BINH CẦU VỒNG – Andrea Hirata

  • Tên nguyên bản tiếng Indonesia: Laskar Pelangi
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Dạ Thảo
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)
chienbinhcauvong.jpg
“Subhanallah, tạ ơn đấng Allah đã cho con 2 ngày nghỉ lễ để đọc xong cuốn sách này…”

Kỳ nghỉ lễ 2/9 của các cậu thế nào? Của tớ thì không có gì đáng kể ngoại trừ việc tớ đã đọc xong cuốn Chiến Binh Cầu Vồng này – 2 lần. Vì thật ra tớ cũng chẳng biết làm gì khác trong thời gian ngồi trên xe lửa hay trong lúc chờ nhà tớ đi tắm biển về. (À tớ đã kể với các cậu nghe là từ hơn 2 năm nay tớ rất ghét tắm biển chưa?)

Em R., một cô bé rất yêu đã giới thiệu tớ cuốn này lâu rồi, nhưng dịp này tớ mới có dịp đọc đến. Gói gọn trong hơn 400 trang sách là một câu chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ rực rỡ của tác giả; một bức tranh sống động về vẻ đẹp thiên nhiên, về xã hội đa dạng văn hóa chủng tộc của hòn đảo Belitong bé nhỏ, là một Utopia đáng mơ ước về giáo dục – ý nghĩa, niềm tin và quan điểm của những người anh hùng thầm lặng trong một ngôi trường làng nghèo xiêu vẹo, lúc nào cũng chỉ chực đổ sụp đến nơi.

Nói về cách thể hiện – theo quan điểm cá nhân của tớ – thì vẫn còn vài chương đoạn chưa liền mạch lắm, có một đôi chỗ có vẻ hơi dài dòng lan man, và hơi không logic. Nhưng tớ có thể hiểu việc đó là vì thứ nhất, đây là tác phẩm đầu tay của chú An, hẳn là còn nhiều bỡ ngỡ hehe. Thứ hai, có lẽ những xúc cảm này trong chú đã dồn ứ lâu rồi, đến tận lúc này mới được tuôn tràn thành chữ nên không kiềm chế được, thế thôi. Hoặc là thứ ba, người dịch và cả người biên tập chưa nắm rõ ý chú lắm? Tất nhiên những lý do vừa kể chỉ là giả thiết tớ đặt ra thôi, đúng sai tớ không đảm bảo đâu :)

Điều tớ thích nhất của cuốn sách này, là cách các cô cậu học trò yêu việc học tập một cách rất tự nhiên, nhờ tấm lòng và công sức của hai người giáo viên đúng nghĩa – thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus : “vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng”. Còn việc học đúng nghĩa ấy, theo như thầy hiệu trưởng Harfan thì: “kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” Tớ cá chắc là phần lớn các cậu không thể nhớ hết được những gì mình đã học ở tiểu học, cũng không có được niềm vui, hay niềm háo hức được đi học như những đứa trẻ chiến binh này. Hành trình của chúng trên con đường chinh phục kiến thức, là một cuộc hành trình thú vị hơn bất cứ cuộc săn tìm kho báu nào!

 

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong
Cô Mus đang dặn các học trò “Ai lười đọc cũng có thể xem phim nhé” ;)

 

Này các cậu, kể tớ nghe đi, lần cuối cùng các cậu hào hứng đến thế vì được đi học để có thêm kiến thức là khi nào?

NƠI EM QUAY VỀ CÓ TÔI ĐỨNG ĐỢI – Ichikawa Takuji

  • Tên nguyên bn tiếng Nhật: Separation – Kimi Ga Kaeru Basho
  • Th loi: Truyện dài
  • Người dch: Thanh Nhã
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2016)

noi em quay ve

Bẵng đi một quãng tớ không có thời gian để đọc cuốn sách văn học nào. Một quãng trầm và đầy mệt mỏi. Mệt mỏi đến độ những cảm xúc tích cực của tớ dường như bị tê liệt. Thế nên khi cầm cuốn sách này lên, tớ mong là mình có thể tìm được một liều thuốc an thần nào đó phù hợp.

Nhưng tớ sai rồi các cậu ơi.

Sai vì khi câu chuyện kết thúc, tớ thậm chí còn thở dài nhiều hơn.

Tớ đọc cuốn đầu tiên của tác giả Ichikawa Takuji, cách đây 2 năm, trùng hợp làm sao, cũng sau một sự đổ vỡ như thế này, và cũng trong một tâm trạng trống rỗng như thế này.

Tớ hay nghĩ đến những sự gặp gỡ “tình cờ” mà tớ cho là có sự sắp đặt của một “người nào đó”. Cũng giống như Yuko và Satoshi, khi một người đi con đường mà bình thường họ không hay đi, và một người nán lại trên con đường ấy trễ hơn một chút so với thời gian mà người ấy vẫn thường đến. Họ đã gặp nhau, một tình yêu bắt đầu, vượt qua bao ngăn cấm của gia đình, họ đến với nhau, nương tựa vào nhau trong thế giới khép kín của hai người. Cho đến khi người vợ mắc một căn bệnh kỳ lạ khiến cho dòng chảy thời gian của cô ấy đi ngược lại với mặc định của tạo hóa. Họ loay hoay, khổ sở, chấp nhận, rồi cứ thế đếm ngược từng ngày, từng ngày cho đến lúc Yuko trở về “trước khi sinh ra”, cũng tức là khi chưa có sự hiện hữu của cô trên cõi đời này.

Trước khi hiện hữu và sau khi hiện hữu, hóa ra cũng đều như nhau cả, đều có thể gói gọn trong một khái niệm duy nhất: “sự trống không”.

noi-em-quay-ve-co-toi-dung-doi

Tớ, là một đứa khá mơ mộng, tin vào hai chữ “tình yêu”. Nhưng cũng chính tớ, là một đứa cực đoan đến nhảm nhí, không tin vào bốn chữ “tình yêu vĩnh hằng”.  Và Satoshi đã nói với tớ rằng “Thời gian là do nội tâm của con người ta quyết định. Nếu thế, cho dù một giây, cũng có thể coi như vĩnh hằng. Mình có thể yêu Yuko đến vĩnh hằng.” Vậy có phải chăng là, dù chỉ trong những ngày tháng ngắn ngủi dường vậy, tớ thật sự đã yêu người đó đến vĩnh hằng?

Nỗi đau khi người ta nhìn thấy người mình yêu từng ngày, từng ngày lê bước dần đến nơi “trống không” đó, hẳn là xót xa lắm. Tớ nghĩ nó cũng tương tự như việc nhìn thấy mối quan hệ với người mình yêu từng ngày, từng ngày rơi dần đến đáy “vực thẳm”. Đến nỗi đôi lúc phải giả bộ như không thấy gì, không nghe gì, không cảm thấy gì. Vì chẳng thể nào chịu đựng nổi sự tàn khốc của hiện thực.

Rồi khi đã vượt quá giới hạn chịu đựng, sự cố gắng ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng ngược: Đó là các cậu đánh mất luôn cảm xúc thật của mình.

Đó cũng là khi, các cậu chợt thấy mình đang ở lưng chừng đâu đó của “sự trống không”.