SÓI THẢO NGUYÊN – Hermann Hesse

  • Tên nguyên bản tiếng Đức: Der Steppenwolf
  • Thể loại: Tiểu thuyết 
  • Người dịch: Lê Chu Cầu
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2013)

steppenwolf

Trời ơi tớ đã phải mất gần 3 tháng để đọc hết cuốn này các cậu ạ. Viết gì mà điên thế không biết. Cứ mỗi lần bắt đầu đọc lại sau một thời gian tạm ngưng là tớ phải đọc lại trước đó tận 4-5 trang để tìm lại mạch chuyện. Và cứ mỗi lần tay Harry Haller này bắt đầu màn đấu tranh nội tâm với con Sói Thảo nguyên lẩn khuất trong tâm trí hắn là tớ như muốn phát khùng theo.

Harry Haller, một tay học thức sâu rộng trong vai nhà phản chiến thất thời chán nản với sự trưởng giả và kệch cỡm của xã hội con người để rồi từ đó tạo ra trong hắn một thực thể đối lập mãnh liệt với những gì mà hắn chán ghét: Sói Thảo Nguyên. Quay cuồng, tuyệt vọng, khốn khổ khốn nạn, Harry Haller và Sói Thảo Nguyên, bản năng và lý trí, cứ liên tục xoay vần và đấu đá lẫn nhau, cho đến một ngày nọ, khi Harry gặp được Hermine, tấm gương phản chiếu lại tâm hồn đầy rẫy những nổi thống khổ của hắn, thì hắn dần hiểu rằng “cả cuộc đời là như thế đấy, hãy mặc xác nó và nếu chúng ta không phải là lũ lừa thì nên cười thêm vào. (…) Hãy học có thái độ nghiêm trang với những gì đáng nghiêm trang và cười vào những thứ còn lại.”

Tớ đã nghĩ về những mảnh ghép hình, trong bức tranh ghép rộng lớn mang tên “Cuộc đời của Harry Haller”. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những mảnh ghép gần như cuối cùng, những mảnh ghép mà chỉ thiếu chút nữa thôi là cuộc đời của hắn sẽ hoàn tất và khi ghép đến những mảnh đó, hắn đã có thời gian và cơ hội nghiệm lại cả cuộc đời mình, một cuộc đời đầy khổ đau và cùng quẫn.

Harry ơi Harry, có những đoạn khi đọc tớ đã nghĩ sao mà hắn ta giống tớ thế. Hay là tớ giống hắn ta? Những mâu thuẫn và đấu tranh giữa những gì tớ cho là cao cả, đáng tôn trọng và những ham muốn nhục dục chỉ chực chờ đẩy tớ ra khỏi mọi giới hạn chuẩn mực mà tớ tự đặt ra cho mình. Cả cái sự đắm say một lý tưởng nhưng hèn nhát không dám chết vì lý tưởng đó. Thế, nhưng mà tớ hơn tay này một điểm là tớ biết cách để vui vẻ, như Hermine, hay Pablo, và tận hưởng một bản nhạc hay không phải vì mặt uyển chuyển trong cấu trúc cao độ của nó mà vì nó khiến tớ cảm động và làm cho miệng tớ muốn hát theo còn chân thì ngứa ngáy đòi nhún nhảy.

Tổng kết lại thì tớ thấy tay Harry, hay ông tiểu thuyết gia Hermann này, điên lắm rồi, và cho dù có bỏ qua những trúc trắc và dài dòng về câu cú mà tớ khá chắc là thừa hưởng từ đặc tính riêng của loại ngôn ngữ gốc ấy, thì tớ không chắc là tớ sẽ sẵn lòng một lần nữa trải qua những giây phút tắc tị trong cái mớ điên loạn khổ sở cùng cực của hắn qua cuốn tiểu thuyết này.

soi-thao-nguyen

Bonus các cậu một đoạn trích mà tớ thích:
“Không phải vì anh biết cuộc chiến đấu chẳng đạt kết quả gì mà đời anh thành tẻ nhạt và ngớ ngẩn. Harry ơi, nó sẽ tẻ nhạt hơn nhiều, nếu anh tranh đấu cho điều gì tốt đẹp và lý tưởng với ý nghĩ phải đạt cho bằng được. Lý tưởng là để đạt đến ư? Chẳng lẽ chúng ta, con người, sống để triệt bỏ cái chết ư? Không, chúng ta sống để sợ hãi nó, nhưng rồi lại yêu nó và chính vì nó mà thỉnh thoảng cuộc đời ngắn ngủi bừng lên được một giờ thật huy hoàng.”

 

hermann-hesse
“Chú mày dởm thật, mới thế mà đã đọc không nổi.” – Hermann Hesse (1877 – 1962)