NƠI EM QUAY VỀ CÓ TÔI ĐỨNG ĐỢI – Ichikawa Takuji

  • Tên nguyên bn tiếng Nhật: Separation – Kimi Ga Kaeru Basho
  • Th loi: Truyện dài
  • Người dch: Thanh Nhã
  • Nhã Nam & NXB Văn học (2016)

noi em quay ve

Bẵng đi một quãng tớ không có thời gian để đọc cuốn sách văn học nào. Một quãng trầm và đầy mệt mỏi. Mệt mỏi đến độ những cảm xúc tích cực của tớ dường như bị tê liệt. Thế nên khi cầm cuốn sách này lên, tớ mong là mình có thể tìm được một liều thuốc an thần nào đó phù hợp.

Nhưng tớ sai rồi các cậu ơi.

Sai vì khi câu chuyện kết thúc, tớ thậm chí còn thở dài nhiều hơn.

Tớ đọc cuốn đầu tiên của tác giả Ichikawa Takuji, cách đây 2 năm, trùng hợp làm sao, cũng sau một sự đổ vỡ như thế này, và cũng trong một tâm trạng trống rỗng như thế này.

Tớ hay nghĩ đến những sự gặp gỡ “tình cờ” mà tớ cho là có sự sắp đặt của một “người nào đó”. Cũng giống như Yuko và Satoshi, khi một người đi con đường mà bình thường họ không hay đi, và một người nán lại trên con đường ấy trễ hơn một chút so với thời gian mà người ấy vẫn thường đến. Họ đã gặp nhau, một tình yêu bắt đầu, vượt qua bao ngăn cấm của gia đình, họ đến với nhau, nương tựa vào nhau trong thế giới khép kín của hai người. Cho đến khi người vợ mắc một căn bệnh kỳ lạ khiến cho dòng chảy thời gian của cô ấy đi ngược lại với mặc định của tạo hóa. Họ loay hoay, khổ sở, chấp nhận, rồi cứ thế đếm ngược từng ngày, từng ngày cho đến lúc Yuko trở về “trước khi sinh ra”, cũng tức là khi chưa có sự hiện hữu của cô trên cõi đời này.

Trước khi hiện hữu và sau khi hiện hữu, hóa ra cũng đều như nhau cả, đều có thể gói gọn trong một khái niệm duy nhất: “sự trống không”.

noi-em-quay-ve-co-toi-dung-doi

Tớ, là một đứa khá mơ mộng, tin vào hai chữ “tình yêu”. Nhưng cũng chính tớ, là một đứa cực đoan đến nhảm nhí, không tin vào bốn chữ “tình yêu vĩnh hằng”.  Và Satoshi đã nói với tớ rằng “Thời gian là do nội tâm của con người ta quyết định. Nếu thế, cho dù một giây, cũng có thể coi như vĩnh hằng. Mình có thể yêu Yuko đến vĩnh hằng.” Vậy có phải chăng là, dù chỉ trong những ngày tháng ngắn ngủi dường vậy, tớ thật sự đã yêu người đó đến vĩnh hằng?

Nỗi đau khi người ta nhìn thấy người mình yêu từng ngày, từng ngày lê bước dần đến nơi “trống không” đó, hẳn là xót xa lắm. Tớ nghĩ nó cũng tương tự như việc nhìn thấy mối quan hệ với người mình yêu từng ngày, từng ngày rơi dần đến đáy “vực thẳm”. Đến nỗi đôi lúc phải giả bộ như không thấy gì, không nghe gì, không cảm thấy gì. Vì chẳng thể nào chịu đựng nổi sự tàn khốc của hiện thực.

Rồi khi đã vượt quá giới hạn chịu đựng, sự cố gắng ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng ngược: Đó là các cậu đánh mất luôn cảm xúc thật của mình.

Đó cũng là khi, các cậu chợt thấy mình đang ở lưng chừng đâu đó của “sự trống không”.

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ – Haruki Murakami

  • Tên bn dịch tiếng Anh: What I Talk About When I Talk About Running
  • Th loi: Tự truyện 
  • Người dch: Thiên Nga
  • Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn (2015)

toi-noi-gi-khi-toi-noi-ve-chay-bo

Đây là tác phẩm thứ 4 của Murakami sensei mà tớ đọc, các cậu ạ. Không phải những cuốn trước tớ thấy không hay đâu, thậm chí lúc đang viết bài này tớ còn chưa đọc xong nữa. Chỉ là tớ rất muốn viết về cuốn này vậy thôi.

Tớ biết đến tác giả này từ rất lâu rồi, hồi tớ học lớp 9, nhưng lúc đấy trẻ quá nên tớ còn đang kỳ thị những câu chuyện có hơi hướm tình dục trần trụi. Nghe lớp 9 thấy có vẻ không xa xôi lắm nhưng thật ra đến thời điểm này thì đã ngót nghét chục năm rồi. Tớ đã già, đó là sự thật, các cậu ạ. (Trầm tư 10 giây).  Không tớ đùa đấy. Tớ chưa già, còn trẻ chán, nhưng quan niệm sống cũng như hệ thống chuẩn mực của bản thân đều đã thay đổi quá nhiều. Tớ sẽ đổ thừa cho cuộc đời, các cậu ạ. Qua nhiều năm và nhiều tháng, chúng mình không thể mãi là chúng mình như ngày xưa được, chúng mình phải lớn, phải đập đầu vào đời, phải bung nát sọ lẫn tim gan phèo phổi ra, phải tự hốt vào và lắp ráp lại, thế rồi khi chúng mình vừa mới ổn định được trong chốc lát thì “Boom” chúng mình lại đang chuẩn bị phải tẩn nhau với thằng chó Đời thêm lần nữa. Và cứ thế, cứ thế, chúng mình lột xác. Và chúng mình, hay thật ra là tớ đấy, bắt đầu muốn đọc Murakami.

Lúc còn đang cưa cẩm, cậu người yêu bảo là thích đọc văn tớ viết. Cậu ấy còn bảo tớ cố gắng viết đi, biết đâu sau này sẽ thành nhà văn. Ha! Tớ chưa bao giờ có niềm tin rằng mình làm được việc đó, nhưng vì cậu ấy đã bảo vậy, nên tớ cứ viết thôi. Đến bây giờ thì quả nhiên là, tớ vẫn chưa thành nhà văn, nhưng cậu ấy thì vẫn giục tớ viết hoài. Nói lan man nãy giờ là để nói, điều làm tớ hứng thú khi đọc ‘Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là, Murakami cũng đã kể cho tớ nghe, làm thế nào để viết.

Đến một lúc, bác ấy cảm thấy mình có thể viết. Rồi bác ấy viết. Và đến một lúc khác nữa, bác ấy cảm thấy mình cần phải tập trung cho nghiệp viết, và rồi bác ấy gác lại tất cả mọi công việc, chỉ để viết. Thế, và viết nó cũng như chạy marathon. Đó không phải là thứ tự dưng mà hay được. Ngày nào ta cũng phải viết, viết, và viết. Rồi trong quá trình viết ấy thì mình sẽ dần nhận ra bản thân mình cần điều chỉnh những gì, điều gì còn cần cải thiện. Mà trong khi viết thì bác ấy nghĩ gì? Cũng giống như khi chạy, bác ấy hầu như chẳng “nghĩ nhiều về bất cứ gì đáng nói”, hay đúng hơn là “chạy trong sự rỗng không”.

what-i-talk-about-when-i-talk-about-running

Ừ thế là tớ nhận ra. Tớ đã suy nghĩ quá nhiều về việc viết. Mỗi khi đặt mình trước màn hình máy tính, hay trước một cuốn sổ đang mở, tớ cứ băn khoăn mãi, nào là, nên viết về vấn đề gì đây, nên mở đầu thế nào cho phù hợp đây, nên sử dụng cách xưng hô nào, nên là ngôi thứ mấy, vân vân và mây mây. Khá là mệt mỏi đấy, các cậu ạ. Sau khi phải suy nghĩ mãi về một mớ những thứ như thế thì, một là tớ gập laptop lại luôn, hai là tớ cất bút cất sổ vào luôn.

Bây giờ thì tớ đang có một phương pháp khác mỗi khi viết, và tớ cho là phương pháp này khá hiệu quả. Đó là tớ chẳng nghĩ gì nữa. Cứ thế mà viết thôi, viết nhăng cuội cũng được, viết vẩn vơ cũng được, chỉ cần có thể bắt đầu, là tớ có thể viết đến tận đây mà không cần nghĩ đến việc bố cục các đoạn sẽ như thế nào, hay là dòng suy nghĩ của mình có liền mạch hay không!

Vậy nên để kết thúc, theo tớ thì cuốn sách này khá là tạo cảm hứng cho những ai thích viết và muốn viết mà lại gặp phải những trở ngại về mặt tinh thần, như tớ. Rồi sau đó thì các cậu có thể tìm đọc thêm một số cuốn sách hướng dẫn về nghệ thuật viết, mà tớ sẽ kể liền sau đây cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu “Để trở thành nhà văn – Thu Giang Nguyễn Duy Cần”.

Rồi sau đó nữa thì, cứ viết thôi !